Viện Pasteur TP.HCM có vắc xin sau nhiều tháng, nhiều người đến tiêm chủng
Cảnh tượng này hoàn toàn đối lập với sự đìu hiu, không bóng người trong suốt một năm qua do cạn vắc xin.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online sáng 19 và 20-5 tại Viện Pasteur TP.HCM, có nhiều người dân đến đây đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ phòng bệnh. Bên trong các phòng tiêm ngừa, nhiều người dân ở mọi độ tuổi được tiêm vắc xin phòng bệnh theo yêu cầu.
Tại quầy hướng dẫn, bảng giá vắc xin dịch vụ hiển thị gần đầy đủ các loại. Chỉ còn vắc xin ngừa uốn ván, huyết thanh uốn ván, huyết thanh kháng dại (loại 1ml), vắc xin ngừa cúm là thông báo tạm hết.
Vô tình bị chó hàng xóm cắn nhiều vết sâu vào mu bàn tay vào 5 ngày trước, sáng 19-5, cụ Nguyễn Văn Sâm (82 tuổi, ngụ phường 11, quận Gò Vấp) tự đến Viện Pasteur TP.HCM tiêm mũi 2 vắc xin ngừa dại và được hẹn vào ngày 22-5 tiêm mũi 3.
Bên cạnh tiêm vắc xin ngừa dại, cụ Sâm còn uống thuốc cầm máu, kháng sinh, kháng viêm vì vết thương chó cắn sâu và chảy nhiều máu, đau nhức. "Khám xong là đi tiêm liền cho an tâm, chứ chó cắn chảy máu dữ lắm, đau nhức ngủ không được", cụ Sâm chia sẻ.
Từ Đồng Nai, chị Lê Thị Lành (40 tuổi) cùng mẹ chồng đưa con trai hai tháng tuổi đến Viện Pasteur TP.HCM tiêm vắc xin 6 trong 1 và uống vắc xin Rota ngừa tiêu chảy. Trước đó, khi bé sinh ra tại bệnh viện thì đã tiêm vắc xin ngừa viêm gan B.
Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc - điều hành phòng khám tiêm chủng Viện Pasteur TP.HCM - cho hay viện là cơ quan của Nhà nước nên mặc dù tiêm vắc xin dịch vụ nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện các thủ tục đấu thầu mới có vắc xin phục vụ người dân
Hiện tại, các đơn vị cung cấp vắc xin đảm bảo việc cung ứng vắc xin với số lượng tham dự thầu với viện, nên đủ phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân. Với các loại vắc xin đang thiếu, viện sẽ tiếp tục nhanh chóng thực hiện đấu thầu để sớm có vắc xin phục vụ.
Bác sĩ Ngọc cho rằng với năng lực và kinh nghiệm trong công tác tiêm chủng, việc Viện Pasteur TP.HCM hoạt động trở lại đã cung cấp thêm một địa chỉ tiêm chủng uy tín cho người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận, với dịch vụ chất lượng và giá thành phù hợp.
Vì vậy, nhiều người dân có cơ hội tiếp cận với biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin hơn, giúp nâng cao tỉ lệ tiêm chủng và gia tăng miễn dịch cộng đồng với nhiều loại bệnh hơn.
Tỉ lệ trẻ được tiêm vắc xin tại TP.HCM chưa đạt yêu cầu
Tại cuộc họp báo chiều 18-5, ông Nguyễn Hồng Tâm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 4 năm nay, tỉ lệ tiêm chủng ở trẻ dưới 1 tuổi tại thành phố đạt 77,3%, trong khi đó tỉ lệ đủ theo tiêu chuẩn của quốc gia là 95%. Đối với những mũi tiêm nhắc như sởi 2, DPT 4 cho trẻ 18 tháng - 1,5 tuổi lần lượt là 78,6% (chỉ tiêu 95%) và 70,5% (chỉ tiêu 85%).
Theo ông Tâm, các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng rất cần thiết, giúp bảo vệ những bệnh nguy hiểm hay gặp ở trẻ em như ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib,... nhưng tỉ lệ tiêm chủng thấp dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng miễn dịch cộng đồng.